Anh Raymond A Kuschert phát sữa cho trẻ em tại Đà Lạt

Thật khó để nói cụ thể điều gì đã khiến tôi yêu TPHCM. Đó là nụ cười làm rực sáng ngày mới của cô bán hàng rong nơi góc đường, cũng có thể là lời chào nhẹ nhàng, giúp đỡ tận tình từ một người xa lạ. Tất cả thanh âm và hình ảnh của thành phố đều có thể mang lại sự bình yên cho trái tim lữ khách. Thứ cảm xúc này đã rung lên khi tôi lần đầu đến TPHCM. Tôi biết ơn cơ duyên đó và hơn 10 năm mà TPHCM đã mang lại cho tôi.

Mối quan hệ của tôi với Việt Nam bắt đầu từ năm 1967. Cha tôi là cựu quân nhân từng đến đây tham chiến. Tôi không biết rằng lịch sử, ký ức và tác động từ trải nghiệm của cha tôi có thể định hình cuộc đời tôi theo nhiều cách. Khi còn trẻ, tôi từng có một hình dung chưa đầy đủ về Việt Nam, trong tôi hiếu kỳ với vùng đất này một cách lạ lùng. Vào năm 2012, tôi bắt đầu chuyến đi khám phá sự thật. Từ Sydney, tôi cùng con trai bay đến TPHCM.

Một tuần rong ruổi ở Vũng Tàu và TPHCM dường như là chưa đủ. Tôi quyết định quay lại, 1 lần, 2 lần và nhiều hơn nữa. Tôi quyết định chuyển đến sống tại Việt Nam để thực hiện ước mơ của mình. Chính tinh thần hào sảng và sự chấp nhận của người dân TPHCM đã khiến tôi cảm thấy như được quê hương chào đón. Bạn bè chấp nhận tôi như một thành viên trong gia đình họ và mọi người ủng hộ tôi vượt những thử thách, vượt qua rào cản ngôn ngữ và khác biệt văn hóa. Cảm giác kết nối với cộng đồng giúp tôi nhìn nhận nơi đây thật khác.

TPHCM trong tôi là một điều kỳ diệu. Lúc tôi đến đây lần đầu tiên, tòa nhà Landmark 81 còn chưa được khởi công, quận 2 (một phần TP Thủ Đức bây giờ) còn thưa thớt nhà cửa; đại lộ Phạm Văn Đồng là con đường nhỏ đầy “ổ voi, ổ gà”; quận Gò Vấp vẫn là một cộng đồng địa phương chưa phát triển nhiều. Vậy mà giờ đây, sự tăng trưởng của thành phố thật đáng kinh ngạc.

TPHCM đã biến đổi thành một trung tâm kinh tế sôi động và hiện đại của Đông Nam Á, các trung tâm mua sắm dần xuất hiện khắp thành phố, những đại lộ xuyên thành phố giúp việc đi lại dễ dàng hơn, phố đi bộ Nguyễn Huệ và nhiều địa danh cho người dân địa phương và du khách trải nghiệm văn hóa giải trí. Cuộc sống của người dân thành phố cũng thật khác. Vào năm 2012, giao dịch điện tử vẫn là một cụm từ xa lạ, giờ thì mọi người có nhiều sự lựa chọn để thanh toán mua sắm và sinh hoạt.

Là một giáo viên tiếng Anh và truyền thông, tôi vui mừng khi nhận thấy khả năng giao tiếp tiếng Anh của người dân cải thiện đáng kể. Rào cản ngôn ngữ từng khiến tôi gặp khó khăn, nhất là giao tiếp kinh doanh. Nhưng chỉ trong vòng một thập niên, tôi có thể thảo luận ở một cấp độ hoàn toàn khác với hầu hết những người trẻ. Sự cải thiện này có thể được nhìn thấy trên khắp thành phố, khi họ tự tin nói tiếng Anh trong các tình huống xã giao, sinh hoạt hàng ngày, thương thuyết làm ăn.

Thời còn trẻ, tôi từng ước mơ một ngày nào đó sẽ tự mình khám phá những sự thật về Việt Nam. Trong 10 năm qua, tôi không cần đi tìm mà đã có câu trả lời. Nét đẹp quan trọng nhất của TPHCM không phải nằm ở những con đường đông đúc hay những tòa nhà chọc trời, mà chính là con người. Con người là “đặc sản” giá trị nhất của đô thị năng động này. Họ hóm hỉnh, sáng tạo, thân thiện và nghĩa tình. Số người tôi đã gặp nhiều đến mức không thể kể hết, nhưng mỗi người đều để lại cho tôi một trải nghiệm độc đáo. Họ khiến trái tim tôi tràn ngập khoảnh khắc hạnh phúc. Và đó là trải nghiệm thay đổi cuộc đời tôi - sống ở TPHCM.

Năm 2023, tôi kỷ niệm 10 năm là cư dân TPHCM. Tôi không thể dùng từ ngữ nào để diễn tả trọn vẹn lòng biết ơn của mình đối với nơi đây vì đã chấp nhận cho một lữ khách vào nhà, cho tôi sinh kế và cuộc sống. Tất cả những gì tôi có thể nói là “Cảm ơn!”. Tôi yêu Việt Nam và tôi yêu TPHCM. Giờ đây tôi tự hào thành phố của chúng ta trở thành biểu tượng của tình yêu và sự đổi mới. Tôi ngưỡng mộ những con người tại TPHCM, cảm kích tình cảm họ trao cho tôi và tôi sẽ mãi biết ơn những khoảnh khắc nhỏ bé làm nên cuộc sống mà tôi từng ước mơ từ khi còn tấm bé.

RAYMOND A KUSCHERT